Thủ tục xin cấp giấy phép xuất nhập khẩu hóa chất Bảng 1 như thế nào?

Bạn muốn nhập khẩu hóa chất? Thủ tục xin cấp giấy phép xuất nhập khẩu hóa chất Bảng 1 như thế nào? Tư vấn Luật L&K sẽ tư vấn qua bài viết sau:

Nội dung liên quan:

– Thủ tục xin Giấy phép sản xuất hóa chất hạn chế sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp

– Một số thuật ngữ liên quan đến sản xuất kinh doanh hóa chất

– Thành lập công ty kinh doanh hóa chất

1. Căn cứ pháp lý

Nghị định 38/2014/NĐ-CP

Thông tư 55/2014/TT-BCT

2. Yêu cầu xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất Bảng 1, hóa chất Bảng 2, hóa chất Bảng 3

a) Có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Trong đó có ngành nghề về hóa chất do cơ quan có thẩm quyền cấp.

b) Được Thủ tướng Chính phủ cho phép xuất khẩu hoặc nhập khẩu hóa chất Bảng 1;

c) Được Bộ Công Thương cấp Giấy phép xuất khẩu hoặc Giấy phép nhập khẩu hóa chất Bảng 2, hóa chất Bảng 3.

3. Hồ sơ, thủ tục xin cấp giấy phép xuất nhập khẩu hóa chất Bảng 1 như thế nào?

3.1 Hồ sơ

a) Công văn đề nghị cấp phép theo mẫu quy định;

b) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, trong đó có ngành nghề về hóa chất do cơ quan có thẩm quyền cấp;

c) Hợp đồng hoặc thỏa thuận mua bán hóa chất Bảng 1, hóa chất Bảng 2, hóa chất Bảng 3 với các tổ chức là thành viên của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học.

3.2 Thủ tục, thời gian

a) Tổ chức, cá nhân xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất Bảng 1, hóa chất Bảng 2, hóa chất Bảng 3 lập 1 (một) bộ hồ sơ gửi Bộ Công Thương qua đường bưu điện hoặc gửi trực tiếp. 

b) Trong thời gian không quá 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Công Thương phải thông báo cho tổ chức, cá nhân về tính đầy đủ và hợp lệ của hồ sơ và yêu cầu tổ chức, cá nhân hoàn chỉnh hồ sơ một lần duy nhất. Thời gian thông báo và thời gian hoàn chỉnh hồ sơ không được tính vào thời gian cấp Giấy phép xuất khẩu hoặc Giấy phép nhập khẩu.

Thời gian cấp phép hóa chất Bảng 1: Không quá 10 ngày; Thời gian cấp phép hóa chất Bảng 2, 3 không quá 07 ngày.

c) Trường hợp xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất Bảng 1, hóa chất Bảng 2, hóa chất Bảng 3 cho các mục đích chuyên ngành (y tế, dược phẩm, nông nghiệp, bảo vệ), khi cần thiết Bộ Công Thương lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ quản lý nhà nước chuyên ngành trước khi cấp phép. Thời gian lấy ý kiến không tính vào thời gian cấp phép quy định tại Điểm a, b Khoản này.

3.3 Thẩm quyền cấp:

– Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ cho phép xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất Bảng 1.

– Cục Hóa chất là cơ quan thực hiện việc cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất Bảng 2, hóa chất Bảng 3.

3.4 Nội dung của Giấy phép

a) Tên, địa chỉ, trụ sở chính của cơ sở hóa chất Bảng;

b) Thông tin về hóa chất (Tên hóa chất; mã số CAS; mã số HS; công thức hóa học; hàm lượng, nồng độ);

c) Khối lượng xuất khẩu, nhập khẩu;

d) Mục đích xuất khẩu, nhập khẩu;

đ) Tên nước xuất khẩu, nhập khẩu;

e) Tên cửa khẩu xuất, cửa khẩu nhập;

g) Thời hạn thực hiện xuất khẩu, nhập khẩu;

h) Nghĩa vụ của cơ sở được cấp phép.

3.5 Một số lưu ý

– Giấy phép xuất nhập khẩu hóa chất Bảng 1, Bảng 2, Bảng 3 chỉ cấp một lần cho một hợp đồng trong thời gian tối đa 12 tháng và không được gia hạn. Giấy phép đã cấp không được chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân khác.

– Tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy phép nhập khẩu hóa chất Bảng 1, Bảng 2, Bảng 3 không phải thực hiện các quy định về cấp Giấy Xác nhận khai báo hóa chất thuộc Danh mục hóa chất phải khai báo theo quy định của Luật Hóa chất và các văn bản hướng dẫn thi hành luật.

– Tổ chức, cá nhân được phép xuất nhập khẩu hóa chất Bảng 1, Bảng 2, Bảng 3 phải nộp Bộ Công Thương các tài liệu sau để làm thủ tục thông báo với Tổ chức Cấm vũ khí hóa học:

a) Hóa chất Bảng 1: Chậm nhất 45 ngày trước khi thực hiện xuất hoặc nhập khẩu. Nộp thông báo về xuất hoặc nhập khẩu hóa chất Bảng 1; trước ngày 31 tháng 01 hàng năm. Nộp khai báo về xuất khẩu, nhập khẩu và phân phối trong nước đối với từng hóa chất Bảng 1 trong năm trước theo mẫu quy định.

b) Hóa chất Bảng 2: Trước ngày 28/02 hàng năm, nộp khai báo bao gồm cả hỗn hợp chứa hóa chất 2A* và 2A có nồng độ từ 1% trở lên và hóa chất 2B có nồng độ từ 30% trở lên theo mẫu quy định.

c) Hóa chất Bảng 3: Trước ngày 28 tháng 02 hàng năm, nộp khai báo bao gồm cả hỗn hợp chứa hóa chất Bảng 3 có nồng độ từ 30% trở lên theo mẫu quy định.

– Trường hợp việc xuất khẩu hóa chất Bảng 3 được thực hiện với tổ chức hoặc cá nhân của nước không phải là quốc gia thành viên của Công ước Cấm vũ khí hóa học, phải có giấy chứng nhận sử dụng cuối cùng của cơ quan có thẩm quyền của quốc gia này. Giấy chứng nhận sử dụng cuối cùng được đính kèm trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép xuất khẩu.

– Khi được yêu cầu, tổ chức, cá nhân có hoạt động xuất nhập khẩu hóa chất Bảng 1, Bảng 2, Bảng 3 phải chấp hành việc kiểm chứng số liệu xuất nhập khẩu do Tổ chức Cấm vũ khí hóa học hoặc Bộ Công Thương phối hợp cùng Cơ quan quốc gia Việt Nam tiến hành.

Trên đây là những tư vấn sơ bộ của Tư vấn Luật L&K. Nếu có bất cứ thắc mắc gì, Quý khách hàng xin vui lòng liên hệ theo hotline: 0369 131 905 hoặc [email protected]. Facebook: Tư vấn Luật L&K

Tư vấn Luật L&K rất mong nhận được sự hợp tác từ Quý khách hàng!

Tin liên quan